Binh lực và kế hoạch của hai bên Chiến_dịch_Barvenkovo-Lozovaya

Quân đội Liên Xô

Binh lực

Lực lượng tham gia vào cuộc tấn công của quân đội Liên Xô gồm cánh trái của Phương diện quân Tây Nam và cánh phải của Phương diện quân Nam; được bố trí như sau:

  • Phương diện quân Tây Nam do Nguyên soái S. K. Timoshenko làm tư lệnh, thiếu tướng I. Kh Bagramian làm tham mưu trưởng, N. S. Khrushev làm ủy viên hội đồng quân sự, huy động 4/6 tập đoàn quân trên cánh trái tham gia chiến dịch:[2]
    • Tập đoàn quân 6 do trung tướng D. I. Riabyshev chỉ huy, trong biên chế có:
      • Quân đoàn kỵ binh 6 gồm các sư đoàn kỵ binh 26, 38 và 49;
      • Quân đoàn xe tăng 23 gồm lữ đoàn xe tăng 38 và lữ đoàn cơ giới 7;
      • Quân đoàn xe tăng 21 gồm lữ đoàn xe tăng cận vệ 5 và lữ đoàn xe tăng 48;
      • Các sư đoàn bộ binh 41, 47, 103, 248, 253, 266, 270, 337, 393 và 411.
    • Tập đoàn quân 38 do thiếu tướng K. S. Moskalenko chỉ huy, trong biên chế có:
      • Quân đoàn xe tăng 22 gồm các lữ đoàn xe tăng 13, 36 và 133;
      • Các sư đoàn bộ binh 81, 124, 199, 226, 277, 300, 304 và 343;
      • Trung đoàn cơ giới độc lập 7.
    • Tập đoàn quân 28 do thiếu tướng A. M. Gorodnyansky chỉ huy, trong biên chế có:
      • Quân đoàn kỵ binh cận vệ 3;
      • Quân đoàn xe tăng 13 gồm các lữ đoàn xe tăng 57, 84, 90 và lữ đoàn xe tăng cận vệ 6;
      • Các sư đoàn bộ binh 38 và 162.
    • Tập đoàn quân 21 do trung tướng Ya. D. Cherevischenko chỉ huy, trong biên chế của cánh trái tham gia chiến dịch có:
      • Lữ đoàn xe tăng 10;
      • Các sư đoàn bộ binh 76, 227, 293 và 301.
    • Không quân của phương diện quân gồm trung đoàn ném bom 4, 6, 10 và 52; trung đoàn tiêm kích 2 và 6; trung đoàn cường kích 258 và trung đoàn trinh sát - vận tải 512.
  • Phương diện quân Nam do thiếu tướng R. Ya. Malinovsky làm tư lệnh, thiếu tướng A. P. Pokrovsky làm tham mưu trưởng; huy động 2 trong số 6 tập đoàn quân tại cánh phải tham gia chiến dịch gồm:
    • Tập đoàn quân 57 do trung tướng K. P. Potlats chỉ huy; trong biên chế có:
      • Quân đoàn kỵ binh 2 gồm các sư đoàn kỵ binh 34, 62 và 70;
      • Sư đoàn bộ binh cận vệ 14;
      • Các sư đoàn bộ binh 99, 150, 217 và 351.
    • Tập đoàn quân 9 do trung tướng Kharitonov chỉ huy, trong biên chế có:
      • Các sư đoàn kỵ binh 30, 34 và 60;
      • Các lữ đoàn xe tăng 12, 15, 64 và 121;
      • Các sư đoàn bộ binh 51, 106, 333, 335, 341 và 349.

Ở đây điều cần chú ý là - do Hồng quân đã chịu thương vong rất lớn trong những ngày đầu chiến tranh (như trong trận Moskva họ đã thiệt hại gần 1 triệu người[23]) - phần lớn các binh sĩ Hồng quân trong thời điềm này là lực lượng vừa mới được động viên và dĩ nhiên kinh nghiệm chiến trường cùng với sự huấn luyện của họ rất nghèo nàn. Liên Xô cũng đang trong quá trình chịu nhiều khó khăn về hậu cần do nhiều trung tâm công nghiệp, nông nghiệp lớn của họ đã bị phát xít Đức chiếm giữ. Về sau, Nguyên soái A. M. Vasilevsky cho rằng chiến lược thích hợp trong giai đoạn lúc đó đáng ra phải là "phòng ngự chiến lược tạm thời".[24] Cũng theo Nguyên soái Vasilevsky lực lượng Hồng quân năm 1942 chưa được chuẩn bị đầy đủ để chủ động tổ chức một chiến dịch tấn công nhằm vào quân Đức vốn có trang bị và huấn luyện tốt hơn; rõ ràng là Hồng quân không có đủ ưu thế về quân số cũng như về "chất lượng" của binh sĩ, và vì đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp vẫn đang trong quá trình phục hồi sau giai đoạn đen tối năm 1941.[25]

Kế hoạch

Kế hoạch tấn công do Nguyên soái S. K. Timoshenko trình bày tại hội nghị của Đại bản doanh ngày 27 tháng 3 gồm hai mũi tấn công theo chiến thuật gọng kìm vào phía Bắc và phía Nam Kharkov. Mũi phía Nam là mũi chủ công do Tập đoàn quân 6 thực hiện. Cụm xung kích của tập đoàn quân này do thiếu tướng xe tăng L. V. Bovkin chỉ huy xuất phát từ phòng tuyến trên sông Orel tấn công qua Staraya Vodolaga - Rakitnoye - Merefa - Zmiev rồi đột kích vào Kharkov từ phía Nam. Dành một phần lực lượng bên cánh trái của tập đoàn quân đột kích đến Krasnograd để che đỡ sườn trái. Mũi phía Bắc lấy tập đoàn quân 28 mới được tổ chức lại làm chủ lực, vượt sông Bắc Donets tấn công vào Vovchansk - Livny, đột kích Kharkov từ phía Bắc, phát triển đến Kozacha Lopan và Dergachi.[26] Tập đoàn quân 38 ở giữa mặt trận có nhiệm vụ kiềm chế Tập đoàn quân 6 (Đức) tại các khu phòng thủ Chuguev và Balaklaya. Tập đoàn quân 21 ở cánh cực Bắc cũng có nhiệm vụ giữ chân cánh phải của Tập đoàn quân xe tăng 4 và Quân đoàn 2 Hungary ở khu vực Belgorod. Trên hướng Nam, các tập đoàn quân 9 và 57 có nhiệm vụ ngăn chặn các Tập đoàn quân xe tăng 1 và Tập đoàn quân 17 (Đức), giữ chặt tuyến phòng thủ Lozovaya - Kramatorsk - Slaviansk, che chở cho Tập đoàn quân 6 (Liên Xô) từ phía sau. Kế hoạch cũng dự kiến lấy xe tăng và kỵ binh làm lực lượng đột kích chủ lực. Cụm xung kích của Tập đoàn quân 6 có 4 lữ đoàn xe tăng và 1 quân đoàn kỵ binh. Cụm xung kích của tập đoàn quân 28 có 5 lữ đoàn xe tăng và 1 quân đoàn kỵ binh. Cánh phải của Tập đoàn quân 38 tham gia tấn công cũng điều động 3 lữ đoàn xe tăng.[3]Nguyên soái S. K. Timoshenko tin rằng quân đội Đức đã chịu thiệt hại nặng về binh lực, vũ khí và trang thiết bị chiến đấu, và rằng họ không có đủ thời gian đủ dài để nghỉ ngơi dưỡng quân và nhận được sự tăng viện lớn từ hậu phương nước Đức nên không thể tiến hành những hành động mạnh mẽ. Khi phân tích vấn đề này, S. K. Timoshenko tin rằng với ưu thế tương đối đã đạt được trên hướng tấn công chủ yếu, Phương diện quân có thể lấy lại Kharkov và một phần Donbass. Toàn bộ 925 xe tăng hiện có của Phương diện quân Tây Nam được huy động cho cuộc tấn công. Phương diện quân Nam chỉ có 450 xe tăng, dự kiến được sử dụng cho các trận đánh phòng ngự là chính. Tuy nhiên, khi nhận xét về tình hình đối phương, tham mưu trưởng Phương diện quân Tây Nam I. Kh. Bagramian đã phải thừa nhận rằng:

Về mức độ tăng viện bằng các lực lượng dự bị có thể có từ sâu trong hậu phương các cánh quân chính của địch, những dự đoán của chúng tôi được dựa trên phỏng đoán nhiều hơn trên các thông tin thực tế.
— Ivan Khristoforovich Bagramian, [12]

Một vấn đề phát sinh ở đây là, việc chuẩn bị và tập hợp lực lượng ở khu vực mặt trận gặp nhiều cản trở nghiêm trọng. Một nguyên nhân là trong thời gian này, mặt đất đã biến thành các bãi bùn sình lầy lội, điều này khiến cho thời gian huy động lực lượng bị kéo dài. Nhiều tướng lĩnh Hồng quân cũng chỉ trích các sĩ quan chỉ huy phương diện quân về những yếu kém trong khâu tập hợp, chuẩn bị và quản lý lực lượng, trong việc tổ chức tấn công cũng như thái độ quan liêu, "chỉ tay năm ngón" của họ, điều này Nguyên soái Vasilevsky đã chỉ ra trong hồi ký của mình.[27] Chính vì việc chuẩn bị quân lực quá cẩu thả, quân Đức đã có thể đoán biết được kế hoạch và các hướng tấn công của Hồng quân. K. S. Moskalenko, lúc ấy là chỉ huy của Tập đoàn quân số 38, chỉ trích các sĩ quan chỉ huy phương diện quân về việc họ không chuẩn bị sẵn một kế hoạch điều binh và điều này thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý binh lực của phương diện quân.[28] Ông kết luận rằng việc "phát xít Đức đoán trước được kế hoạch của chúng ta" là điều hiển nhiên.[29]

Quân đội Đức Quốc xã

Binh lực

Thống chế Fedor von Bock Tư lệnh Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) từ 15 tháng 3 năm 1942Thượng tướng Thiết giáp Friedrich Paulus
tháng 6/1942

Từ ngày 22 tháng 6 năm 1941 đến ngày 30 tháng 4 năm 1942, tại mặt trận Xô-Đức, Quân đội Đức Quốc xã đã bị thiệt hại to lớn. Chỉ tính riêng về người, thương vong đã lên đến 34.395 sĩ quan, 1.133.440 hạ sĩ quan và binh sĩ, tổng số thiệt hại là 1.167.835 người[30] Để phục hồi sức chiến đấu cho chuẩn bị cho Chiến dịch Blau, quân đội Đức Quốc xã đã huy động đến hướng Nam và Tây Nam của mặt trận Xô-Đức 102 sư đoàn, trong đó có nhiều sư đoàn còn sung sức được rút từ nước Pháp, Đông Âu và cả trong nội địa nước Đức. Bộ chỉ huy các Cụm tập đoàn quân của Đức cũng có sự thay đổi. Thống chế Gerd von Rundstedt được điều sang chỉ huy các lực lượng Đức tại Tây Âu. Thống chế Fedor von Bock trao lại Cụm tập đoàn quân Trung tâm cho thống chế Günther von Kluge để nhận chức Tư lệnh Cụm tập đoàn quân Nam.

Tại thời điểm tháng 5 năm 1942, Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) do thống chế Fedor von Bock làm tư lệnh tại mặt trận Barvenkovo - Vovchansk có các đơn vị sau:[31]

  • Tập đoàn quân 6 của Thượng tướng Thiết giáp Friedrich Paulus chỉ huy (thay thống chế Walther von Reichenau chết ngày 12 tháng 1 năm 1942 do máy bay chở ông ta bị rơi); trong biên chế có:
    • Quân đoàn bộ binh 8 (quân đoàn Breslau) của Trung tướng Walter Heitz gồm các sư đoàn bộ binh 62, 108, 113, 454 và lữ đoàn quân cảnh 408.
    • Quân đoàn bộ binh 17 của Thượng tướng Bộ binh Karl Strecker gồm các sư đoàn bộ binh 75, 79, 294; lữ đoàn xe bọc thép trinh sát 66 và trung đoàn công binh 417.
    • Quân đoàn bộ binh 29 của Thượng tướng Bộ binh Hans von Obstfelder gồm các sư đoàn bộ binh 57, 168, 299 và lữ đoàn công binh 429.
    • Quân đoàn cơ giới 40 của Thượng tướng Thiết giáp Georg Stumme gồm các sư đoàn xe tăng 3, 23, sư đoàn cơ giới 29, các sư đoàn bộ binh 331, 336 và sư đoàn công binh 440.
    • Quân đoàn bộ binh 51 của Trung tướng (sau thăng Thượng tướng Pháo binh) Walther von Seydlitz-Kurzbach gồm các sư đoàn bộ binh 44, 71, 297 và sư đoàn quân cảnh 451. Trong chiến dịch được tăng viện sư đoàn bộ binh 305.
  • Tập đoàn quân xe tăng 4 có Quân đoàn xe tăng 14 tham gia chiến dịch gồm sư đoàn xe tăng 16, sư đoàn xe tăng SS "Wiking". sư đoàn bộ binh 100 và sư đoàn khinh binh Slovakia do các sĩ quan Đức chỉ huy.
  • Tập đoàn quân 17 do Thượng tướng Bộ binh Hans von Salmuth chỉ huy, trong biên chế có:
    • Quân đoàn hỗn hợp 44 của Thượng tướng Pháo binh Maximilian de Angelis gồm các sư đoàn bộ binh 68, 101, 257; sư đoàn pháo binh 27; sư đoàn pháo phòng không 279; sư đoàn không quân tiêm kích 861; các trung đoàn không quân ném bom 17 và 42 và sư đoàn công binh 8.
    • Quân đoàn bộ binh 4 của Thượng tướng Bộ binh Viktor von Schwedler gồm các sư đoàn bộ binh 9, 68, 76, 94 và 295, sư đoàn cơ giới trinh sát 23, sư đoàn pháo binh 849, sư đoàn súng cối 245, trung đoàn pháo hạng nặng 704, các trung đoàn pháo phòng không 8 và 24, sư đoàn công binh 601.
    • Quân đoàn bộ binh 52 (quân đoàn Hannover) của Thượng tướng Bộ binh Eugen Ott gồm các sư đoàn bộ binh 50, 111 và 370, sư đoàn mô tô trinh sát 32, sư đoàn pháo binh 658, trung đoàn pháo chống tăng 66.
  • Tập đoàn quân xe tăng 1 do Đại tướng Paul Ludwig Ewald von Kleist chỉ huy, trong biên chế có:
    • Quân đoàn xe tăng 3 mới được điều đến từ nước Đức do Thượng tướng Thiết giáp Leo Geyr von Schweppenburg chỉ huy, gồm các sư đoàn xe tăng 6, 7, 19 và sư đoàn bộ binh 168.
    • Quân đoàn xe tăng 40 của Thiếu tướng Gustav Fehn mới được điều từ Pháp sang gồm các sư đoàn xe tăng 3, 23, sư đoàn pháo chống tăng tự hành 670 và sư đoàn bộ binh 13.
    • Quân đoàn bộ binh 11 của Thượng tướng Bộ binh Joachim von Kortzfleisch gồm sư đoàn bộ binh 73, sư đoàn bộ binh sơn chiến 1, các sư đoàn kỵ binh 5, 6 Romania.
  • Tập đoàn quân 2 do Đại tướng Maximilian von Weichs chỉ huy, trong biên chế có:
    • Quân đoàn bộ binh 55 (Quân đoàn Pillau) của Thiếu tướng Rudolf Freiherr von Roman gồm các sư đoàn bộ binh 45, 95, 299 và lữ đoàn bộ binh 1 của lực lượng SS.
    • Quân đoàn bộ binh 6 của Thượng tướng Bộ binh Bruno Bieler gồm các sư đoàn bộ binh 6, 26, 256; sư đoàn pháo binh 69, trung đoàn pháo binh 57, các trung đoàn pháo hạng nặng 808 và 848, sư đoàn công binh 10.
    • Quân đoàn bộ binh 2 Hungary gồm 5 sư đoàn.
    • Sư đoàn bộ binh độc lập 88.

Kế hoạch

Trong khi Hồng quân Liên Xô chỉ có thể phỏng đoán được lực lượng của quân đội Đức thì tình báo Đức lại nắm khá rõ về các lực lượng dự bị của Liên Xô đang xây dựng trong mùa xuân năm 1942. Theo báo cáo của tùy viên quân sự Phần Lan tại Ankara làm việc cho cơ quan tình báo quân sự Đức Abwehr: tại các khu vực của Ufa, Kazan, Astrakhan, Orenburg, quân đội Liên Xô đang tổ chức khoảng 20 đến 25 sư đoàn bộ binh và kỵ binh; tại các khu vực Kazan, Kirov, Vologda, Tambov và phía đông của Moskva cũng có đến 30 sư đoàn bộ binh và 10 lữ đoàn xe tăng đang được xây dựng và huấn luyện, tại khu vực Ural cũng đang tập trung khoảng 10 sư đoàn lấy từ quân dự bị động viên. Tổng cộng có khoảng 50 đến 60 sư đoàn tương đương 6 đến 7 tập đoàn quân (theo cách tính biên chế kiểu Đức) đang được Nguyên soái S. M. Budyonny tư lệnh các lực lượng dự bị của quân đội Liên Xô chỉ đạo tổ chức.[32]

Ngày 5 tháng 4, Hitler ký ban hành Chỉ thị 41 về việc triển khai chiến dịch Blau. Mục đích của chiến dịch được hoạch định ngay sau khi Tập đoàn quân số 11 của Erich von Manstein giành được thắng lợi tại Krym. Lần này trọng tâm chiến sự hướng về phía Nam với mục tiêu chính là vựa dầu vùng Kavkaz cùng một mục tiêu phụ là thành phố Stalingrad. Vì vậy cụm Tập đoàn quân Nam được chú ý bổ sung và trang bị tối đa cho chiến dịch.[33] Ngày 11 tháng 4, Bộ Tổng tham mưu Đức đã ra các mệnh lệnh quy định trình tự thực hiện kế hoạch này. Trước hết là dự kiến thương vong và tuyển quân đợt mới đối với những người Đức sinh từ năm 1924 trở về trước (đủ 18 tuổi). Bộ Tổng tham mưu Đức dự kiến với mức độ thương vong như hiện tại thì đến ngày 1 tháng 5 năm 1942 đã cần bổ sung ngay 318.000 quân; từ tháng 5 đến tháng 9 cần động viên tiếp tục 960.000 quân. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì đến cuối năm, quân đội Đức sẽ cạn hết lực lượng dự bị. Cuối cùng, các tướng lĩnh tham mưu Đức đều thống nhất trước hết, hãy phát lệnh động viên 260.000 người cho lục quân và đưa 240.000 người thuộc niên hạn nhập ngũ cuối năm 1941, đã qua hai tháng huấn luyện quân sự đến mặt trận Xô-Đức.[1]

Ngày 19 tháng 4, có tin đồn về một cuộc tấn công của quân đội Liên Xô nhằm vào ngày sinh nhật Hitler nhưng đến ngày 20 tháng 4, tình hình mặt trận vẫn yên tĩnh. Việc tăng viện cho quân đội Đức tại mặt trận vẫn thực hiện đều đặn nhưng chưa đạt mức yêu cầu. Theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Đức thì mặt trận phía Đông mới chỉ nhận được 1.847/2.340 xe tăng cần bổ sung; 7.411/74.183 xe cơ giới các loại. Số xe này đủ trang bị mới cho 10 sư đoàn xe tăng. Ngoài ra, quân Đức tại mặt trận đã nhận được 28.000 súng trường, 14.000 súng tiểu liên MG-34, 7.000 khẩu pháo hạng nặng và 1.900 pháo dã chiến đủ trang bị cho 5 sư đoàn bộ binh. Đã có 179.609 ngựa chiến bị chết từ 11 tháng 10 năm 1941 đến nay nhưng quân Đức chỉ nhận được bổ sung 20.000 con. Sau một tháng tăng cường lực lượng bổ sung, các sư đoàn Đức tại Cụm tập đoàn quân Nam đã đạt biên chế tương đương biên chế chuẩn, đặc biệt là các sư đoàn xe tăng và cơ giới; các cụm tập đoàn quân Bắc và Trung tâm chỉ đạt từ 50% đến 75% biên chế chuẩn. Ngoài ra, quân Đức còn huy động đến mặt trận phía Đông 195.000 nhân công lao dịch thuộc tổ chức Todt, trong đó có 45.000 người Đức và 150.000 người các nước khác; được biên chế vào 200 tiểu đoàn lao công để thay thế cho khoảng 1/3 lính công binh (khoảng 10 sư đoàn) được chuyển thành bộ binh. Vấn đề phục hồi và tăng cường số quân, trang bị của quân Đức trên mặt trận Xô-Đức về cơ bản đã được giải quyết.[1]

Ngày 22 tháng 4, Thống chế Fedor von Bock di chuyển Tập đoàn quân xe tăng 1 về hướng Kramatorsk-Slaviansk. Khi đi qua Stalino (Donetsk), Tập đoàn quân này đã được củng cố, bổ sung về người và trang bị với đầy đủ 11 sư đoàn, trong đó có 5 sư đoàn xe tăng và 1 sư đoàn pháo tự hành. Trong thời gian đó, quân Đức chịu mất Sư đoàn bộ binh 385 và một trung đoàn xe tăng trên cánh trái của Tập đoàn quân xe tăng 4 để tổ chức một trận tấn công lớn vào khu vực MedynYukhnov theo hướng Moskva. Động thái này càng làm cho Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tập trung chú ý vào hướng Moskva. Ngày 3 tháng 5, các tướng lĩnh Đức họp tại Berlin để nhận nhiệm vụ trong Chiến dịch Blau đã kiểm tra lại và nhận thấy việc bảo mật kế hoạch này đã được thực hiện tốt.[22]

Và Hồng quân cũng không hề hay biết về cái gọi là Chiến dịch Friderikus do tướng Freidrich Paulus - Tư lệnh mới của Tập đoàn quân số 6 - ký lệnh thi hành vào ngày 30 tháng 4 năm 1942.[34] Đây là đòn "hồi mã thương" nhằm vào các đơn vị Hồng quân đang đóng tại cung lồi Izium - Barvenkovo. Nhiệm vụ hủy diệt lực lượng Hồng quân tại Izium được giao cho Tập đoàn quân số 6 của Paulus, và lệnh ban xuống nói rằng ngày khởi sự tốt nhất có thể là ngày 18 tháng 5 năm 1942. Tuy nhiên, trên thực tế thì Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) mới là đơn vị đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện nhiệm vụ này.[35]

Ý đồ của Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức trong Chiến dịch Blau là sử dụng hai tập đoàn quân xe tăng 1 và 4 làm hai mũi đột tấn công theo các hướng song song. Một cánh từ Kursk qua KastornoyeStary Oskol về hướng Voronezh - Liski; một cánh từ khu vực Slaviansk - Kramatorsk đánh sang Millerovo và rẽ xuống Rostov. Qua đột phá khẩu đã được xe tăng Đức mở ra, các tập đoàn quân 6, 17 sẽ tấn công về hướng Stalingrad, tiến ra sông VolgaKavkaz. Tập đoàn quân 2 tiến ra thượng lưu sông Đông, thay thế cho Tập đoàn quân xe tăng 4 tiếp tục càn quét dọc sông Đông từ Bắc xuống Nam, chặn toàn bộ đường rút sang bờ đông sông Đông của các sư đoàn Liên Xô đang chiến đấu tại các phương diện quân Tây Nam và Nam. Nếu hành động nhanh chóng, quân Đức sẽ tiếp tục lặp lại những thành công tại phía Đông Kiev tám tháng trước, bao vây và đánh sập cánh Nam của quân đội Liên Xô trên mặt trận Xô-Đức.[22] Để thực hiện ý đồ này, hiển nhiên việc phải làm đầu tiên của Cụm tập đoàn quân Nam Đức là phải cắt đứt chỗ lồi Barvenkovo. Friedrich Paulus, tư lệnh Tập đoàn quân số 6 (Đức) nhận xét:

Mục tiêu chủ yếu của chiến dịch đệm này nhằm loại bỏ một nguy cơ đối với quân Đức tại sườn phía nam trên tuyến đường sắt Dnipropetrovsk - Stalino. Theo đó ổn định việc cung cấp cho Tập đoàn quân xe tăng 1 và Tập đoàn quân 17 của quân đội Đức. Đồng thời, nó cũng nhằm đảm bảo việc chống giữ Kharkov đối với Tập đoàn quân 6 khi nơi đây đã trở thành một căn cứ hậu cần và quân y rất lớn. Hơn nữa, nó cũng cần thiết để hình thành những bàn đạp tại khu vực Bắc Donets và phía đông nam Kharkov cho các cuộc tiến công tiếp theo qua các con sông ở phía đông. Để làm điều này, cần phải mở đòn đột kích từ phía nam lên phía bắc để tiêu diệt cánh quân Liên Xô đang tiến công trên hướng Barvenkovo.
— Friedrich Paulus, [3]

Ngày 10 tháng 5, tướng Paulus hoàn tất bản thảo cuối cùng cho Chiến dịch Friderikus, và cũng cùng khoảng thời gian đó, quân Đức đã chuẩn bị sẵn sàng cho một đợt tấn công lớn nhằm vào khu vực Kavkaz.[36] Tại khu vực xung quanh Kharkov, tướng Paulus đã bố trí ba tuyến phòng thủ kiên cố. Tuyến đầu có chiều sâu từ 6 đến 7 km, tuyến thứ hai cách tiền duyên từ 10 đến 15 km và tuyến thứ ba nằm trong chiều sâu 20 đến 25 km.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Barvenkovo-Lozovaya http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1942SW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1942SW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1942SW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1942SW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1942SW... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec42.html http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://id.loc.gov/authorities/subjects/sh85072173 http://xt.ht/1942/8.htm http://d-nb.info/gnd/4646790-7